Thứ Hai, 8 tháng 10, 2018


TRUNG THU HỒI ĐÓ...😇

Hôm qua, có người Phật tử lên thăm, mang biếu cho hộp bánh trung thu. Tối về huynh đệ cùng chế ấm trà nhỏ, chia nhau miếng bánh, tự nhiên nhớ, nhớ cái hương vị bánh trung thu hồi đó, hơn 20 năm trước, quán ông Điểm bán một cái 400đ, bánh làm bằng bột mì, nướng vàng như màu con gián, nhân toàn thịt mỡ băm mà ngon đến lạ, một cái bánh bẻ ra cho mấy đứa ăn chung. Bánh trung thu bây giờ người ta làm khung vuông vắn, đủ loại nhân, giá cả lại đắt mà sao tôi vẫn không thấy thơm ngon bằng cái bánh 400đ hồi đó. tự nhiên lòng nghe nhớ mùa trung thu hồi đó…

Hồi đó, hơn 20 năm trước, ông Hai Duyệt làm cái việc mà người ta nhay gọi là “ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, ông được xã cấp cho cái loa tay, bỏ mấy viên pin con ó vô và đi rao khắp xóm khi xã, thôn có việc cần thông báo. Như một thông lệ hàng năm không hề thay đổi, cứ vào khoảng chín, mười giờ sáng rằm, ông lại cầm cái loa tay rỉ sét, chạy chiếc đòn dông đi khắp thôn, chẳng biết vì cái giọng khàn khàn của ông hay vì cái loa đã cũ mà nghe cứ đục ngầu: alo alo xin thông báo chiều nay đúng 2h sẽ phát quà trung thu cho các cháu thiếu nhi, tại trường mẫu giáo thôn Thiệp Sơn, alo..alo… Thế là trưa đó lũ trẻ con thay vì ngủ trưa hoặc rủ nhau đi phá làng phá xóm như mọi ngày thì í ới réo nhau, vô trường mẫu giáo đợi.

Khi tiếng kẻng đổ gọi là báo hiệu giờ phát quà cho bọn trẻ biết mà đến, bấy giờ cũng là cho có lệ, tụi nhỏ đã bao kín cả mấy cái cửa sổ. Mấy bác trong chính quyền có một cuốn sổ ghi rõ nhà ai, có mấy đứa con trong tuổi nhận quà (tuổi nhận quà là hết lớp 9, đứa nào qua lớp 10 coi như hết tuổi thơ). Quà trung thu hồi đó mỗi suất là 2 có khi là 4 gói mì giấy đục đục vàng vàng có hình mấy con tôm, 1,2 bịch kẹo 4 mùa gì đó, vậy mà đứa nào cũng ko muốn bỏ sót, nghe đọc tới tên nhà mình là la lên rồi chen vô, lấy bao, kéo áo hứng lấy mấy gói mì và kẹo, có đứa bỏ áo vô quần rồi để quà trong bụng phình như ông địa, mặt mày hớn hở, tíu tít đi về, có đứa má nó mới sinh em bé, chưa kịp đưa tên vô sổ cũng kể để nhận luôn năm này và cái bác ghi sổ sẽ lấy bút đỏ đánh tên vô hộ nhà đó để sang năm chuẩn bị quà. Có một điều chắc chắn là một năm có khi ko biết dân số của thôn giảm mấy người do đi làm ăn ở Sài Gòn hay chết đi nhưng đảm bảo là dân số tăng mấy đứa, nhà nào thì không thể nào không biết được.
Trung thu của quê, ngày 12, 13 đã nghe tiếng trống múa lân. Mấy đứa nhà khá khá chút trong xóm hùn nhau mua cái đầu lân nhỏ về, lấy vải đủ màu chắp lại làm cái mình, rồi xé dây nilon may bao tua rua ra để cột vô chân vô tay, cái trống là mượn của đội đám ma trong xóm, to đùng nên cột trên xe dắt đi. Chiều mờ mờ là tụi nhỏ đòi ăn cơm sớm để khi tối xuống rước đèn đi chơi. Quê nghèo, chẳng có mấy đứa có được cái đèn ông sao 5 cánh, toàn là đèn tự chế. Nhớ hồi lớp 2 học môn kỹ thuật có chỉ cách gấp, cắt giấy làm lồng đèn. Thế là gần trung thu, mấy đứa rủ nhau lấy cơm dán mấy đôi giấy vở lại cho thành 1 hình vuông to rồi gấp, cắt làm thành cái lồng đèn giấy, đứa nào màu mè thì tô màu lên giấy trước cho lồng đèn có màu. Mấy thằng con trai thì khôn hơn, chúng mon men xuống quán ông Điểm xin mấy cái lon sữa bò về cạy nắp rửa sạch rồi đục lỗ, không biết bọn nó gắn sao mà thành cái đèn lon, có cái cây tre nữa đẩy chạy trên đường rổn rẻn, cái lon quay quay mà cây đèn cầy không tắt. Hồi đó đòi miết má mới mua cho 2 chị em tôi 1 cái đèn trung thu làm bằng nhựa dẻo có 700đ/ 1 cái, với mấy cây đèn cầy xíu xiu, chơi hết trung thu đến 17 là má dắt lên mái nhà đến trung thu sau lại lấy xuống rửa bụi rồi chơi tiếp.

Hồi đó chưa có ti vi mỗi nhà như bây giờ nên trung thu không chỉ là tết thiếu nhi mà còn là tết chung cho mọi người. Mấy ngày này mọi người sẽ thức trễ hơn bình thường, con nít trong xóm í ới gọi nhau xách đèn đi chơi, khoe nhau lồng đèn ríu rít, mấy người lớn cũng nhân đó tụm lại nói chuyện đó đây, đàn ông thì đánh cờ , bàn chuyện thời sự nghe trên đài phát thanh mỗi sớm, đàn bà thì kể chuyện chồng con, công cán vụ mùa…Lũ trẻ râm ran cả đoàn đi theo con lân, lũ chó trong xóm sủa om sòm cả lên. nhà nào nghe tiếng trống không muốn cho lân vô thì cứ đóng cửa tắt đèn tối om. Nhưng chẳng mấy ai làm thế, nhà nào cũng sẵn sàng cho lân vô nhà, nhảy lên nhảy xuống nhảy qua nhay lại khắp nhà, cái đứa mang mặt nạ ông địa cầm cái quạt cứ đi theo quạt ông chủ nhà đến khi nào chịu cho tiền mới đi… Hồi đó nhà thằng Phát “ rụng răng” là giàu nhất thôn, có nhà lầu, có cả cái ti vi. Lân vô nhà nó là thích lắm vì bọn trẻ được coi lân nhảy lâu, ba nó còn treo tiền lên cây đứng trên lầu thòng xuống bắt lân phải nhảy cao, đứng lên ghế, có khi đứng lên xe và cõng nhau để lấy tiền, cả đám con nít vỗ tay, reo hò cổ vũ… hết nhà này đến nhà khác. Cứ thế, dưới ánh trăng thu sáng tỏ, đám trẻ con trong xóm kéo nhau theo đoàn lân đến khi thay hết mấy cây đèn cầy ngắn củn cho lồng đèn mới lũ lượt kéo về.

Có bữa chúng tụ tập dưới cống ông Điểm, bày ra thả đèn xuống dòng kênh, đứa nào cũng về xé giấy vở xếp thành những chiếc thuyền to, nhỏ, đốt đèn cầy rồi thả như kiểu bây giờ người ta thả hoa đăng. Chẳng biết có đứa nào khéo tưởng tượng còn nói mình ước mơ gì ghi lên thuyền rồi thả đi sẽ thành sự thật, mấy chiếc thuyền ấy tự nhiên trở thành những chiếc thuyền chuyên chở ước mơ của đám trẻ con quê tôi thuở ấy. Thuyền đứa nào không bị tấp vô bờ hay đèn cầy tắt, chìm là thắng, nguyên một đoạn kênh lung linh ánh sáng của những chiếc thuyền nến. Nhớ lại đoạn kênh ấy, trung thu ấy mới đẹp làm sao.
Đám trẻ con thôn Thiệp Sơn hơn 20 năm rồi, giờ đứa nào cũng lớn, đã có gia đình sự nghiệp riêng, có những đưá thành công, có những đứa còn nhọc nhằn bôn ba với cuộc sống nhưng Trung thu đến chúng đều có thể mua cho các con của chúng những cái lồng đèn điện tử có nhạc tin tin, phá những mâm cỗ đầy với đủ loại bánh, mứt ngon lành mà hồi nhỏ có mơ cũng chẳng đứa nào thấy, được xem những đoàn lân chuyên nghiệp biểu diễn đầy nghệ thuật…Chẳng biết hơn 20 năm rồi, bây giờ có đứa nào còn hay bất chợt nhớ tết trung thu năm nào nơi xóm nhỏ khi mà trung thu ngày nay đã có quá nhiều đổi thay, hiện đại, trẻ con bây giờ cũng đã khác ngày xưa... Chén trà nóng nãy giờ đã nguội, ánh trăng thu đang in bóng trước  thềm nhưng hình như ánh trăng thu này có chút gì mờ nhạt hơn hồi đó, phải chăng trăng cũng như lũ trẻ con chúng tôi, hơn 20 năm rồi…

Có lẽ, tôi là người hoài cựu nhưng điều đó không có nghĩa tôi làm nhiệm vụ cất giữ tuổi thơ cho lũ trẻ con trong thôn. Nhưng tôi cũng là một đứa trong lứa trẻ con thời ấy, nên khi tôi ấn phím những dòng này là tôi không phải viết cho riêng mình mà cho cả một thời nơi thôn quê ấy, thôn Thiệp Sơn, mùa trung thu, có tiếng rao đục ngầu của ông hai Duyệt đi cùng xóm, có tiếng kẻng báo hiệu phát quà trung thu nơi trường mẫu giáo nhỏ, có cống ông Điểm với những chiếc thuyền chuyên chở ước mơ lung linh lung linh, có con lân nhỏ nhảy thùng thình theo tiếng trống mượn của các bác đội đám ma, có lũ trẻ con ríu rít, nhà nhà rủ nhau rước đèn khắp xóm.
 ( Sài Gòn - trung thu 2018).

Thứ Ba, 5 tháng 6, 2012

THÂN BẤT TỊNH



1. Quán thân bất tịnh: . Quán thân bất tịnh nghĩa là tập trung tư tưởng để quan sát một cách tường tận về sự dơ bẩn của cái thân ta. Nói cái thân là bất tịnh, chắc có nhiều người ngạc nhiên, không thể chấp  nhận và phản đối cho là Phật đã nói quá đáng. 
Trong đời còn cái gì quý báu hơn cái thân đâu? Nhìn bên ngoài ta thấy thân này khá xinh đẹp nào là mắt đen, da trắng, môi hồng, mũi dọc dừa,mặt trái xoan… một vẻ đẹp hoàn hảo, đó là một niềm ao ước của  bao người, có khi họ phải bỏ khong ít tiền, chịu đau đớn để trải qua các cuộc phẫu thuật thẫm mỹ mới có được và Người ta bảo bọc nó, nâng niu nó, cung phụng nó đủ điều. nào là thức ngon vật lạ; nào là lụa là, gấm vóc; nào là nhà cao cửa rộng với tiện nghi sang trọng..cốt yếu giúp tăng them giá trị mỹ miều của thân, cho thân được nhẹ nhàng sung suonwgs bằng nhiều các có khi là làm cả nhưng việc bất nhân tổn đức. Cái thân được quí chuộng, tôn trọng như thế, mà bảo rằng nó là dơ bẩn, gớm ghiếc, thì thật  khó mà chấp  nhận được. 
bình tĩnh mà xét lại, cái thân nầy thật không có gi là trong sạch cả. như ta đã biết con ngươi sinh ra là nhờ hai thứ bất tịnh của tinh cha huyết mẹ. Nó là sự tích tụ của hơn 300 cái xương được nối lại với nhau bởi 180 khớp dính liền nhờ 900 cái gân, trét đầy khắp với 900 miếng thịt, được bọc bằng lớp da trong ẩm ướt, bao ngoài với lớp da có những lỗ rải rác đó đây, luôn luôn tiết ra như một cái bình dầu mà trong đó cả một tập thể vi trùng cư trú. nó như một nấm mồ khổng lồ mà thây chết là các loài chúng sanh ta vẫn ăn hằng ngày, Ðó là cái nhà của tật bệnh, nền tảng của những trạng thái đau khổ, luôn luôn rỉ ra từ 9 lỗ như một ung nhọt kinh niên. Nơi 2 con mắt ghèn chảy, nơi 2 lỗ tai thì cứt ráy, từ 2 lỗ mũi là nước mũi, từ miệng là thức ăn, mật, đàm, máu; từ 2 lỗ bài tiết bên dưới là phân và nước tiểu, và từ 99. 000 lỗ chân lông tiết ra một chất mồ hôi vô vị, với ruồi nhặng bu quanh. Cái thân xác này, nếu không được tắm rửa, chăm sóc, khoác y phục bên ngoài, thì xét về tính chất đáng tởm, một ông vua cũng không khác gì người hốt rác. Nhưng nhờ đánh răng, súc miệng, nhờ thoa ướp bằng những hương hoa mà nó biến thành một trạng thái được xem là tôi và của tôi.  Cứ thế, nam nữ yêu nhau cũng là  yêu cái lớp bao trùm giả tạm này thôi mà không nhận thức cái thực chất dơ bẩn của cơ thể được che đậy bằng những trang sức mong manh. Trong ý nghĩa tối hậu thật không có một chỗ nào trên thân xác, dù nhỏ như hạt bụi, đáng để mà tham đắm.

Thử hỏi nếu nhìn thấy một thây chết liệu chúng ta có hoảng sợ không,chỉ cần có một mẫu nhỏ nào nơi thân xác như tóc, lông, răng, móng rơi ra, thì người ta sẽ không dám động tới, mà còn cảm thấy hổ thẹn, nhục nhã, ghê tởm. Vậy mà, khi chúng còn ở trong thân xác - thì mặc dù vẫn đáng ghê tởm - người ta lại xem là dễ chịu, đáng ham muốn, trường cửu, khả ái, tự ngã v.v.... Bởi vì bị trùm kín trong màn tối vô minh, bị nhuốm đầy tham ái đối với tự ngã, mà người ta đã nhận thức sai lạc như thế
Ðó là mới nói bề ngoài, bề trong thân người lại dơ hơn thập phần.nếu đã xem một video clip chiếu về cảnh mổ thư thi của cac bác sĩ người mỹ chúng ta mới rõ ràng, thấy thật về bên trong của thân, chẳng qua dẹp xinh cũng là nhờ lớp da ở ngoài che phủ, hãy tưởng tượng Khi mổ bụng một con gà, con heo ta thấy một đống nào bọc chứa, ruột non, ruột già, tim, gan, phèo, phổi, bong bóng...như thế nào, thì các bộ phận trong cơ thể ta cũng chẳng khác gì thế ấy. Nhất là bộ tiêu hóa là chỗ chứa đựng đủ thứ vật thực hôi thúi, chẳng khác gì một thùng phân. 
Ðó là mới nói khi lành mạnh, còn khi đau ốm lại càng dễ sợ hơn: nào đàm, nào mũi, thúi tha tanh hôi không sao chịu được, nhất là gặp những bệnh nan y như lao, cùi, giang mai, hoa liễu, thì thật là không ai dám lại gần. Ðó là khi trẻ, còn khi già đầu bạc răng long, lưng còm, da nhăn, má cóp, đi đứng yếu ớt, không còn đủ sức để sửa soạn bề ngoài thì lại càng nhớp nhúa hơn nữa. 
Ðến khi chết, nghiệp thức không còn duy trì để thay lớp mới đổi lớp cũ, thì da thịt rã rời, đụng đâu rệu đấy. Nếu không đem chôn cất cho kín, thì ruồi bọ, giòi rúc rỉa, mùi hôi thúi xông lên không ai chịu nổi. 

Vậy cái thân nầy quả thật là bất tịnh, không còn chối cãi vào đâu được. Nhưng người đời vì không xét kỹ nên mới yêu quí nó, cưng dưỡng nó đủ điều: hễ thân ưa thì mình ưa, thân ghét thì mình ghét; làm nô lệ cho thân, gây nghiệp, chịu quả báo đời đời kiếp kiếp không dứt. Cũng vì thân, mà tham, sân, si nổi lên; cũng vì thân mà sát, đạo, dâm sinh ra; cũng vì thân mà cọng ngôn, ỷ ngữ, lưỡng thiện, ác khẩu hoành hành. Trăm ngàn vạn điều lỗi lầm, cũng vì quá cưng dưỡng cái thân nầy mà tạo thành ra. 
Vậy hành giả cần phải quan sát rõ cái thân là bất tịnh, mới tránh được những nghiệp tham ái.
  một khi phép quán nầy đã thuần thục, thì kẻ tu hành thấy một cách tường tận như ở trước mắt, thân mình và tất cả mọi người điều bất tịnh, không có gì đáng quý chuộng, ham muốn. Do đó, có thể đối trị được bịnh tham sắc dục là một bịnh rất trầm trọng và nguy hiểm của con người trên bước đường tu hành. Nhưng quán thân bất tịnh là để trừ lòng tham sắc dục, chứ không phải để ghê tởm thân mình, đến nỗi hũy bỏ mạng sống, như sáu mươi vị Tỳ Kheo trong thời Phật tại thế, sau khi quán thân bất tịnh thuần thục ròi, thấy ghê tởm mình và người chung quanh, đến nỗi thuê người giết đi. Ðấy là một điều mà đức Phật nghiêm cấm. 
Ngày nay chúng ta không có được huệ nhãn như Phật để trỏ vào bọn nữ sắc mà Thiên ma sai đến để quấy rối, và bảo rằng: "Những cái túi da đựng toàn những đồ dơ bẩn kia, hãy đi đi, ta không dùng ! ". Hỡi Phật tử, nếu ai đã phát tâm chân thật tu hành, thì hãy cố gắng thi hành pháp "quán thân bất tịnh "; nếu chưa đủ phương tiện để thực hành phép quán ấy, thì cũng đừng bao giờ nên quên rằng: thân người không trong sạch, không có gì đáng say mê đắm đuối để đến nỗi phải gây ra bao nhiêu tai hại, tội lỗi không lường cho mình và người chung quanh.